Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Trường (33 tuổi, trú thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) quyết tâm theo đuổi nghề trồng hoa, cây cảnh. Qua đó, giúp anh có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

     Đam mê cây cảnh

     Bận rộn cắt tỉa vườn cây cảnh để chuẩn bị cho vụ Tết 2024, anh Trường tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở làng nghề làm đá chẻ Hòa Sơn, tôi cũng như bao thanh niên khác trong làng đều mưu sinh với công việc làm đá vất vả, nặng nhọc. 

     Đến khoảng năm 2019, tôi tham gia lớp đào tạo nghề trồng hoa, cây cảnh do Trung tâm giới thiệu việc làm Đà Nẵng tổ chức và quyết định dấn thân với nghề”.

Anh Trường, nông dân trồng cây cảnh đang hot xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, (thành phố Đà Nẵng) giới thiệu cây lồng mứt ghép kim thanh mai có giá trên 15 triệu đồng tại vườn. Ảnh: T.N

     Lúc ban đầu chưa có nhiều vốn, anh sưu tầm những cây phôi nhỏ tại địa phương về để chăm sóc, tạo dáng, uốn nắn, rồi bán kiếm lời tái đầu tư, từ đó tích góp dần lên. 

Sau khi học được một thời gian, anh bắt đầu mua cây phôi có giá trị hơn cũng như sưu tầm thêm các dòng bonsai về nhà làm, rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội để rao bán.

     Những sản phẩm đầu tay của anh Trường được mọi người đón nhận và khen đẹp, nhờ đó tiếp thêm cho anh động lực để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với nghề trồng hoa, cây cảnh.

     Anh Trường cho biết, trồng cây cảnh nói chung hay cây bonsai nói riêng đều không khó nếu biết cách chăm sóc

     Riêng với cây bonsai cần phải thường xuyên theo dõi, tỉ mỉ chăm sóc, cắt tỉa để tạo kiểu dáng mong muốn, kịp thời loại bỏ những phần cây bị thừa hoặc sâu bệnh.

Anh Trường sưu tầm những cây phôi nhỏ tại địa phương về chăm sóc, tạo dáng, uốn nắn, rồi bán kiếm lời tái đầu tư.  Ảnh: T.N.

Từ những cây phôi có nguồn gốc tự nhiên, anh Trường ghép với các loại hoa như: mai chiếu thủy, hoa giấy, hoa mẫu đơn, trúc đào, hoa ngũ sắc…. Ảnh: T.N.

     Bên cạnh những kiến thức học được, anh cũng dành nhiều thời gian để tham quan, học hỏi từ những người đi trước cũng như trên mạng internet về kỹ thuật trồng, ươm giống, tạo dáng, ghép cành cho hoa, cây cảnh. Đặc biệt là nắm vững kỹ thuật và chế độ chăm sóc hợp lý để hoa nở đúng vào các dịp lễ, Tết.

Để nâng cao giá trị, tùy từng loại cây mà anh uốn tỉa theo nhiều kiểu dáng trực, nghiêng, xiên, thác đổ. Ảnh: T.N.

     Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây, anh Trường bộc bạch: “Chăm sóc cây bonsai trồng trong chậu cũng là một nghệ thuật đòi hỏi ở người thợ sự kiên nhẫn, tinh tế và khéo léo. 

     Cây bonsai là những cây cảnh nhỏ được cắt tỉa và uốn dây để tạo hình đẹp mắt, phù hợp với không gian sống của con người. 

     Để có được một cây bonsai đẹp phát triển tốt cần đảm bảo các yếu tố như: đất trồng, ánh sáng, nước, phân bón, cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh”.

     “Hái” ra tiền từ nghề tay trái

     Không sử dụng phân bón hóa học như nhiều nhà vườn khác, anh Trường áp dụng kỹ thuật ủ các loại phụ phẩm cây trồng như rơm rạ, lá chuối để làm phân hữu cơ bón cho cây cảnh. 

     Đồng thời, anh trộn phân hữu cơ với cát để làm đất trồng cây rất hiệu quả, cung cấp nguồn dinh dưỡng để cây cảnh phát triển tươi tốt, khỏe mạnh, cho ra nhiều hoa, hoa bền, cây có thời gian để được trong nhà lâu hơn.

     Anh Trường đặc biệt chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên thường xuyên quan sát tình trạng phát triển của cây, đều đặn xịt thuốc trừ sâu sinh học được bào chế từ rượu, ớt, tỏi, gừng để diệt trừ vi khuẩn, vi rút, nấm… và tránh các tác nhân gây hại cho cây trồng. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh mà không gây hại tới môi trường và sức khỏe của người trồng.

Anh Trường ủ rơm rạ, lá chuối để làm phân hữu cơ, đất trồng cây cảnh. Ảnh: T.N.

     “Nghề trồng hoa, cây cảnh không đòi hỏi diện tích đất quá lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi phải có sự đam mê, khéo léo và sự sáng tạo thì mới có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật kỳ công, muôn hình, muôn vẻ. 

     Ngoài ra, phải nắm bắt xu hướng của thị trường để luôn làm mới sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, anh Trường chia sẻ.

Tuỳ từng loại cây và thời điểm trong năm mà giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Ảnh: T.N.

Chăm sóc cây bonsai trồng trong chậu cũng là một nghệ thuật đòi hỏi ở người thợ sự kiên nhẫn, tinh tế và khéo léo. Nghề tay trái trồng hoa, trồng cây cảnh đem lại cho anh Trường thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm.

     Qua bàn tay khéo léo của anh, những cây cảnh bình thường đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao. Từ một sân vườn nhỏ, đến nay anh Trường đã đầu tư mở rộng diện tích lên hơn 100m2. Ngoài ra, anh tận dụng diện tích đất bỏ trống để trồng đa dạng các loại hoa, cây cảnh, cây bonsai, cây lâu năm…. 

     Các sản phẩm được bán không có giá cố định, tuỳ từng loại cây và thời điểm trong năm, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Từ yêu cây và gắn bó với cây cảnh, anh Trường không chỉ khám phá ra vẻ đẹp của cây cảnh, mà nhờ đó còn mang lại cho gia đình anh thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng.

     Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết: “Anh Trường là một nông dân trẻ điển hình về phát triển kinh tế giỏi tại địa phương. Các loại hoa, cây cảnh của anh trồng rất đẹp và là một tác phẩm nghệ thuật sống động, phù hợp với nhu cầu của thị trường, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Bên cạnh đó, anh còn nhiệt tình tham gia vào các phong trào của địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây để mọi người cùng học tập, phát triển kinh tế”.

Theo https://danviet.vn/vuon-trong-la-liet-cay-canh-cay-bonsai-dang-hot-trai-lang-da-nang-ai-ngo-hai-ra-tien.htm